Hờ Phương's profile

“The evolution of earthworms”

Mình đang có 1 hành trình xuyên Việt DÀI hạn đi tìm nguyên liệu sáng tác phù hợp.
Trên hành trình này, mình có cơ hội được học làm thùng chàm của người Mông đen ở Sapa và một số kỹ thuật nhuộm chàm cơ bản.
“Sự tiến hoá của giun đất” là một trong số những sản phẩm mình hoàn thiện trong đợt thử nghiệm đầu tiên với kỹ thuật vẽ sáp ong - nhuộm chàm.
Về mặt ý tưởng, mình được truyền cảm hứng từ bộ phim “I origins” (“Nguồn gốc”).
 
Trong bộ phim này, một câu SoFi nói đã gây trăn trở cho nhà khoa học Ian - người đang nghiên cứu để tạo ra “giun đất biết nhìn”:
 
“Vậy là giun đất sống mà không có khả năng nhìn hoặc thậm chí biết về ánh sáng, phải không? Khái niệm về ánh sáng đối với chúng là không thể tưởng tượng được.”… “Nhưng con người chúng ta, chúng ta biết rằng ánh sáng có tồn tại.” … “Xung quanh thế giới của giun đất, ngay trên đầu chúng, nhưng chúng không thể cảm nhận được điều đó. Nhưng với một chút đột biến, chúng sẽ làm được. Đúng không?”
 
“Vậy, bác sĩ Ian, có lẽ một số người, những con người hiếm hoi, đã đột biến để có một vài giác quan khác - một giác quan tinh thần. Và có thể họ nhận thức được một thế giới khác - ngay trên đầu chúng ta... ở khắp mọi nơi - giống như ánh sáng trên những con giun này.”
Đến với bước đầu tiên, mình lần lượt phác thảo trước bố cục và tạo hình ra giấy, sau đó phóng hình lên vải. 
 
Lần này mình sử dụng vải bông - khổ 40x180 để sáng tác. Với kích thước lớn như vậy, mình phải mất gần 20 tiếng để hoàn thành phần hoa văn bằng chì trên vải.
Tiếp theo đó, mình sang bước lâu nhất, cũng như quan trọng nhất cho tác phẩm: vẽ sáp ong.
 
Do tác phẩm nằm trong đợt thử nghiệm đầu tiên, khi này mình chưa thành thạo cách sử dụng bút, cũng như còn vụng về trong cảm nhận nhiệt độ sáp nóng chảy, nên vẽ rất lâu.
 
Tổng thời gian mình vẽ sáp ong là 23 tiếng.
Sau khi hoàn thiện phần vẽ sáp, mình chuyển sang khâu nhuộm vải.
 
(Thùng chàm mình sử dụng là thùng chàm được nuôi theo phương pháp lên men tự nhiên của đồng bào người dân tộc Mông đen ở Sapa)
Bước cuối cùng, tuy không phức tạp nhưng lại cực kỳ quan trọng, giũ sáp ong và phơi phóng.
 
Giũ sáp ong là công đoạn sau khi màu nhuộm đạt đến độ đậm phù hợp, mình sẽ sử dụng nhiệt độ cao để đánh bay lớp sáp đã vẽ đi, lộ ra phần màu tự nhiên của vải bông. Nếu không giũ cẩn thận, lớp màu nhuộm có thể bị phai đi nhiều và không còn đạt được độ đậm mong muốn nữa.
Thế là sản phẩm đã xong! 
 
Sản phẩm cao/dài hơn mình tận 20cm, lúc cầm phải giơ cao hoặc kiễng lên thế này.
Vẽ sáp ong - nhuộm chàm không còn quá xa lạ đối với những người yêu thích thủ công và có tìm hiểu về văn hoá truyền thống các dân tộc miền núi.
Tuy nhiên, tính đến tại, ở Việt Nam, chất liệu này chưa được ứng dụng nhiều trong hội hoạ - minh hoạ.
Dù mới được tiếp cận sâu 1 thời gian gần đây, nhưng vẽ sáp ong - nhuộm chàm đem lại cho mình cảm thấy rất thân thuộc và phù hợp. 
 
Trong thời gian tới, mình muốn đưa văn hoá truyền thống này trở thành 1 trong số các chất liệu sáng tác chính, để truyền tải những câu chuyện - góc nhìn của bản thân - bằng một ngôn ngữ hiện đại hơn, mang nhiều bản sắc cá nhân hơn.
“The evolution of earthworms”
Published:

Owner

“The evolution of earthworms”

Published: